Nữ sinh Kim Liên thuyết trình xúc động về sức mạnh vô hình của người Nhật

Chủ nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2016 | 22:44
Share

39 Shares

 Trong chiều 12/3, hai cô gái Lê Anh Quyên và Mai Hoàng Hà Thu (THPT Kim Liên) với tình yêu lớn dành cho đất nước Nhật Bản đã khiến cả hội trường bất ngờ khi có bài thuyết trình ấn tượng về “Sức mạnh vô hình của người Nhật Bản”.

Báo điện tử VTC News xin chia sẻ bài thuyết trình đầy thuyết phục của hai cô gái xinh xắn này.

 

Hai cô gái Lê Anh Quyên và Mai Hoàng Hà Thu (THPT Kim Liên) với tình yêu lớn dành cho đất nước Nhật Bản đã khiến cả hội trường bất ngờ khi có bài thuyết trình ấn tượng về “Sức mạnh vô hình của người Nhật Bản”. 


"Sự kiện ngày 11/3/2011, nước Nhật liên tiếp hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng: trận động đất lớn hy hữu với cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và mất tích, và ngay sau đó là thảm họa rõ rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đe dọa hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong vòng bán kính 30km. 

Có thể nói, nhân dân Nhật Bản đã đứng trước thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đối mặt với cái chết chỉ trong gang tấc. Nhưng, mỗi người dân Nhật Bản đã đứng vững trong sự bình tĩnh, đoàn kết, kỷ luật, kiên cường khiến cả thế giới ngưỡng mộ. 

Vậy thì điều gì đã làm nên cách ứng xử phi thường ấy? Có lẽ, chỉ có thể lý giải bằng sức mạnh tinh thần của người Nhật Bản mà ẩn sau nó là đặc trưng tâm lý, văn hóa, tính cách dân tộc đã được hình thành và bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.

Một ngày sau cơn đại địa chấn, từng hàng người xếp hàng dài để được nhận lương thực và nước uống. Sau thảm họa kinh hoàng có thể đã cướp đi người thân hay nhà cửa, tiền bạc của họ, hẳn là họ cũng bất an, mệt mỏi và đói khát như lẽ thường tình.

Những dòng người lặng lẽ xếp hàng mỗi người nhẫn nại chờ đến lượt của mình và chỉ lấy duy nhất một phần đồ ăn và nước uống. Mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại.

Vài ngày sau thảm họa động đất và sóng thần, sự cố hạt nhân xuất hiện tại nhà máy Fukushima I. Việc một trong các lò phản ứng của nhà máy này phát nổ, gây ra rò rỉ chất phóng xạ đã làm cho cả một vùng dân cư rộng lớn phải di tản, người dân trong vùng lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy.  

Tuy nhiên, nhiều công nhân trong nhà máy điện Fukushima I và II vẫn làm việc miệt mài với nỗ lực làm mát lò phản ứng. Điều gì giữ họ ở lại với công việc trong khi đã hứng chịu những mất mát to lớn như vậy? Đó chính là tinh thần trách nhiệm với tập thể - công ty mà họ thuộc vào, và sau nữa là sự hy sinh bản thân vì lợi ích cộng đồng.
 
Chúng ta có thể thấy những “tính cách dân tộc” của người Nhật thể hiện không chỉ trong sự kiện thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân vừa qua mà còn ở cuộc sống thường nhật.
 
Nhật Bản là một quốc đảo, biệt lập với thế giới trong hàng ngàn năm lịch sử đã tạo cho người Nhật Bản một tinh thần dân tộc tự tôn, kiêu hãnh. Bản lĩnh trong khủng hoảng, sự duy trì trật tự, ngăn nắp của người Nhật chính là nhờ lòng tự trọng và danh dự của họ được đặt lên hàng đầu. 

Nước Nhật có ¾ diện tích là núi, còn lại diện tích sinh sống chỉ chiếm ¼) nên việc chung sống cùng nhau, canh tác trên một diện tích đất hẹp khiến người Nhật từ xa xưa đã có tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm. Ở Nhật Bản, mỗi người đều  thuộc “nhóm” của mình, nhóm nhỏ là gia đình, lớn hơn một chút là họ hàng, bạn bè thân hữu, đồng nghiệp trong công ty… cứ thế, cho đến “nhóm” lớn nhất chính là dân tộc Nhật Bản.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Nhật Bản có lẽ cũng là một nguyên nhân làm cho người Nhật có thói quen sống nương tựa vào nhau, thích ở trong cảm giác “tập thể”. Khả năng chịu đựng giỏi, sự nhẫn nại… Sống ở mảnh đất bốn mặt là biển cả, quanh năm chống chọi với gió bão đã “rèn giũa” cho họ tính kiên cường, nhẫn nại. 

Tóm lại, có thể nói, điều kiện tự nhiên của nước Nhật đã giúp hình thành các đặc điểm tính cách dân tộc: tự tôn, kiên cường, giỏi chịu đựng gian khổ, đoàn kết, có tinh thần tập thể cao.

Có thể nói, tính kỷ luật, tôn trọng người bề trên của dân tộc Nhật Bản cũng là yếu tố tạo nên Nhật Bản ngày nay. Đặc biệt, phải kể tới tinh thần võ sĩ đạo- Samurai được tất cả các tầng lớp xã hội lĩnh hội và trau dồi, coi nó là tinh thần Nhật Bản đích thực. Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, lòng trung 

thành, kính trọng bậc bề trên tiếp tục là chuẩn tắc ứng xử, còn tính kỷ luật thì đã trở thành một thói quen trong xã hội.

Khi tai họa ập đến trong ngày 11-3 vừa qua, người Nhật không hề rối loạn vì tính kỷ luật đã được họ duy trì như một thói quen trong đời sống hàng ngày.

 

Cả thế giới phải khâm phục người Nhật Bản về văn hóa đối phó với thảm họa
Cả thế giới phải khâm phục người Nhật Bản về "văn hóa" đối phó với thảm họa 


Trong gia đình, con cái phải hiếu lễ với cha mẹ. Ở trường học, trò lễ độ với thầy vì chịu cái ơn dạy dỗ. Trong công việc, người đi sau (kẻ hậu bối - kouhai) chịu ơn hướng dẫn, chỉ bảo của người đi trước (bậc tiền bối - senpai). Cứ như vậy, cái “trật tự theo chiều dọc” này đã chi phối mọi ứng xử của người Nhật Bản. 

Xã hội Nhật Bản sở dĩ duy trì được tôn ti trật tự tốt là bởi người dưới luôn phục tùng tuyệt đối người trên, ngược lại, người trên có trách nhiệm với người dưới, mọi hành vi của từng thành viên trong xã hội được quy định một cách nghiêm khắc.

Trong 5 đức tính mà Khổng giáo đề cao là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, khác với người Việt Nam ta đề cao chữ “nhân”, người Nhật Bản đặc biệt coi trọng chữ chữ “lễ”. Người Nhật luôn hành xử sao cho đúng lễ nghĩa. Cụ thể, “lễ nghĩa” được biểu hiện trong ngôn ngữ Nhật với vô số các cách nói kính ngữ phức tạp. 

Giáo dục đạo đức công dân là vấn đề cấp thiết và quan trọng đối với mỗi một quốc gia. Nó giúp trau dồi nhận thức của người Nhật về tính độc lập, bình đẳng và tự do cá nhân.

Trong các sách giáo khoa quốc gia, việc chú trọng giáo dục đạo đức công dân hiện đại đã được thể hiện ở những chủ đề như: “tự do của người khác, quyền công dân, tiến bộ xã hội, lợi ích chung, tính rộng lượng, độc lập và tự chủ, tự do làm người, nghề nghiệp, chăm chỉ, phép xã giao, tính đúng giờ và giữ lời hứa”.

Trẻ em Nhật ngay từ nhỏ đã được dạy về tinh thần hy sinh, cống hiến, về ý thức cộng đồng, tinh thần hợp tác.

Có thể thấy rằng nền giáo dục Nhật Bản - một trong những nền giáo dục ưu việt nhất thế giới đã rất chú trọng đến giáo dục đạo đức, nhân cách, và điều nàyđã giúp hình thành nhân cách đáng quý của những công dân Nhật Bản như vừa qua chúng ta đã chứng kiến

Trong thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân vừa qua, văn hóa Nhật Bản - đặc biệt là văn hóa ứng xử của người Nhật lại một lần nữa hấp dẫn toàn thế giới. Cái sức mạnh tinh thần tiềm ẩn của họ, những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử trong cơn nguy biến đã tỏa sáng rực rỡ. Lần này, người Nhật đã chinh phục thế giới bằng “sức mạnh mềm” của chiều sâu văn hóa và tính cách dân tộc.
 

Cũng trong chiều 12/3, Lễ Trao Học bổng SOSHI dành cho các học sinh đã tham gia kỳ thi học bổng vào tháng 1/2016 và có dự định theo học tại trường Đại học quốc tế Thái Bình Dương (IPU) đã được diễn ra.
Các học sinh nhận học bổng Soshi
Các học sinh nhận học bổng Soshi 

Tập đoàn giáo dục SOSHI là một trong năm Tập đoàn Giáo dục lớn nhất Nhật Bản với hệ thống hơn 120 trường mầm non, phổ thông, cao đẳng và đại học tại Nhật Bản, Úc và New Zealand, hiện đang đào tạo hơn 30.000 học sinh, sinh viên Nhật Bản và quốc tế. 

Với mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 4.500 công ty Nhật Bản tại Việt Nam, tập đoàn SOSHI triển khai chương trình học bổng dành cho các sinh viên Việt Nam với các mức học bổng 30%, 50% và 100% học phí toàn khóa học đại học 4 năm tại ĐH IPU. 

Để dành được học bổng, học sinh phải có điểm tổng kết hàng năm từ 6.5 trở lên và trải qua cuộc thi viết trong 90 phút gồm 3 phần: Trắc nghiệm Toán, Trắc nghiệm ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) và Viết luận (tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Việt).

Năm 2016, ngoài 9 tỉnh thành phố đã triển khai, học bổng Soshi tiếp tục mở rộng tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Nam. Tổng số thí sinh 12 tỉnh thành tham dự lên tới gần 3.000 học sinh. 

Trong số đó, 812 học bổng sẽ được trao bao gồm: 10 học bổng 100%; 339 học bổng 50% và 472 học bổng 30%  với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Riêng Hà Nội đã có 752 học sinh dự thi, 268 học sinh đạt học bổng trong đó có 3 học sinh đạt loại A (100% học phí) ( em Bùi Duy Long & Lê Vân Anh – THPT Chuyên Nguyễn Huệ, em Nguyễn Sơn Tùng – THPT Nguyễn Gia Thiều); 105 học sinh đạt loại B (50% học phí) và 160 học sinh đạt loại C (30% học phí) với tổng giá trị học bổng hơn 64 tỷ đồng.

 

 

Ý kiến bạn đọc